Vĩnh Phúc: Xuất khẩu lao động chưa đạt chỉ tiêu

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại nước ngoài, nhưng trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2009-2012, mục tiêu xuất khẩu lao động hàng năm vẫn không đạt kế hoạch đề ra. ..

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại nước ngoài, nhưng trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2009-2012, mục tiêu xuất khẩu lao động hàng năm vẫn không đạt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2013, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có khoảng 491 lao động xuất cảnh, đạt gần 50% kế hoạch năm. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

 

Những bài học từ xuất khẩu lao động

Năm 2013 là năm không mấy suôn sẻ với lĩnh vực xuất khẩu lao động. Chắc hẳn chúng ta chưa thể quên, việc thị trường lao động Hàn Quốc tuyên bố đóng cửa đối với lao động Việt Nam. Điều này đã khiến thị trường lao động Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là thị trường mà nhiều lao động hướng tới.

Sau nhiều nỗ lực của chính phủ Việt Nam, tháng 10/2013, thị trường Hàn Quốc chính thức mở cửa tuyển dụng lao động Việt Nam trở lại làm việc. Dù là tin vui, nhưng nó là một bài học rất lớn đối với công tác quản lý xuất khẩu lao động.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp trong hoạt động đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, tỉnh đã ban hành Chỉ thị 05 về tăng cường quản lý lao động làm việc ở Hàn Quốc. Theo đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời, tổ chức cho các gia đình có con em đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ký cam kết vận động con em mình về nước đúng thời hạn.

 vinh-phuc-xuat-khau-lao-dong-chua-dat-chi-tieu

Cần có chiến lược đào tạo, giáo dục một cách bài bản về ý thức cho người lao động

Cũng bàn về vấn đề này, tại cuộc hội thảo thực trạng và giải pháp xuất khẩu lao động do tỉnh tổ chức ngày ngày 18/10 vừa qua, các đại biểu cho rằng, cần có chiến lược đào tạo, giáo dục một cách bài bản về ý thức cho người lao động thay vì  đứng trước nguy cơ mất thị trường mới loay hoay đi tìm các giải pháp một cách “đối phó”, “mất bò mới lo làm chuồng” như hiện nay.

Cùng với tính kỷ luật thì thị trường lao động trên địa bàn tỉnh còn phổ biến tình trạng cung chưa gặp cầu.

Theo thông tin từ Phòng lao động việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, lao động trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đi xuất khẩu đều hướng đến các thị trường lao động có thu nhập cao. Trong khi đó, điều kiện tuyển của các thị trường này tương đối gắt gao. Ví dụ, năm 2013, đơn đặt hàng yêu cầu nhân lực của Nhật Bản dành cho lao động Việt Nam đang tăng mạnh. Nhưng để đào tạo được một người xuất khẩu lao động Nhật Bản làm việc phải mất từ ít nhất từ 7 – 9 tháng. Phía bạn sang tận Việt Nam để tuyển trực tiếp với yêu cầu trình độ cao hơn so với các thị trường lao động phổ thông Maylaysia, Đài Loan. Qua kiểm tra, sát hạch, một bộ phận lao động không nhỏ đành ngậm ngùi ở lại vì không đáp ứng đủ điều kiện. Điều này đang gióng lên hồi chuông về công tác đào tạo lao động xuất khẩu. Các cơ sở đào tạo hiện nay vẫn dạy những gì mình có, chứ chưa đào tạo những nghề mới mà thị trường cần.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu như chưa có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động có thời hạn ở nước ngoài. Bấy lâu nay, các doanh nghiệp đưa lao động của tỉnh đi xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp của các tỉnh bạn. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo của tỉnh đối với các doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến, một số đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động chưa thực hiện đầy đủ việc thông báo công khai các khoản chi phí đóng góp, thu nhập và các khoản chế độ khác cho người lao động; không đăng ký tham gia Dự án hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài, gây thiệt thòi cho người lao động.

Bên cạnh đó, công tác xuất khẩu lao động 2014 ở tỉnh ta còn bộc lộ những hạn chế: Chính quyền ở một số huyện, xã chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong đào tạo nguồn lao động và nhu cầu thị trường xuất khẩu; số lao động xuất khẩu có tay nghề chiếm tỷ lệ thấp. Công tác quản lý hoạt động giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động chưa chặt chẽ, chưa thanh tra kiểm tra thường xuyên, tình trạng doanh nghiệp chưa có tư cách pháp nhân giới thiệu việc làm vẫn tùy tiện hoạt động đã làm suy giảm lòng tin của người lao động đến chính sách xuất khẩu lao động.

Để xuất khẩu lao động đạt hiệu quả

Năm 2014 dự báo thị trường xuất khẩu lao động còn khó khăn do lao động Việt Nam phải tiếp tục cạnh tranh với lao động của một số nước như Trung Quốc, Indonesia… Để đạt được mục tiêu đưa 1000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vào năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều giải để tháo gỡ khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Sở đang xây dựng Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2014-2016. Khi đề án này được được thông qua sẽ giúp tỉnh cơ bản giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu lao động hiện nay. Cùng với đó, Sở tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trên từng địa bàn; kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân hoạt động giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động”.

Công tác thông tin, tuyên truyền về lao động, việc làm và xuất khẩu lao động cũng đang được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh. Trong đó, tập trung chú trọng vào phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh về hoạt động xuất khẩu lao động; giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ pháp  nhân và đựơc phép tuyển dụng lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và phòng tránh thiệt hại cho người dân lao động.

Trong vay vốn đi xuất khẩu lao động, tỉnh đang tích cực chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tích cực triển khai cho vay theo tinh thần Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, chuẩn bị đủ vốn vay cho số lao động khi có hợp đồng đi làm việc nước ngoài, đồng thời thông báo rộng rãi, phổ biến rõ các thủ tục cho người lao động được vay vốn xuất khẩu lao động được thuận tiện.

Tin rằng với những chủ trương, chính sách và giải pháp tích cực của tỉnh, sự đồng tình, hợp tác từ phía người lao động, Vĩnh Phúc sẽ thực hiện khả thi  mục tiêu đưa 1000 lao động xuất khẩu vào năm 2014 này. Hi vọng trong năm nay Vĩnh phúc nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

 

( vinhphuc.gov.vn )

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*