Nền giáo dục Nhật Bản có gì đặc biệt

Hầu hết các trường ở Nhật đều có những hoạt động thể thao hay lễ hội thường niên với mục tiêu “xây dựng tình đoàn kết, khuyến khích cá nhân nỗ lực hết mình, tận tâm và kiên trì”. Ngoài ra, các cuộc dã ngoại cũng thường..

Nền giáo dục Nhật Bản có gì đặc biệt? Các bạn đi du học ở Nhật hầu như đều có mong muốn được học tập ở đất nước có nền giáo dục chất lượng bậc nhất này.

 

Tổng quan nền giáo dục Nhật Bản

Về mặt giáo dục, Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ thực tế bằng không và 72,5% số học sinh theo học lên đến bậc đại học, cao đẳng và trung cấp, một con số ngang hàng với Mỹ và vượt trội một số nước châu Âu. Điều này đã tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của đất nước Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại.

Trong thời kỳ phong kiến, ở các thị trấn và các làng của Nhật Bản đã có các trường học được gọi là terakoya do nhà chùa và các cơ sở khác tổ chức. Vào cuối thời kỳ của chế độ phong kiến (cuối thế kỷ XIX), tỷ lệ số người biết chữ đạt khoảng 40% – một con số khá cao làm cho những người phương Tây tới Nhật Bản phải ngạc nhiên. Đây là điểm khởi nguồn của hệ thống giáo dục hậu Minh Trị. Tuy nhiên, cho tới Chiến tranh thế giới thứ hai, giáo dục bậc đại học ở Nhật Bản vẫn còn tồn tại như là công cụ đào tạo một số nhỏ sinh viên để họ trở thành viên chức cấp cao của chính phủ trung ương và sự phân biệt về giới ở thời kỳ này còn rất nặng nề.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản hiện hành đã được thiết lập ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai vào giữa những năm 1947 và 1950, lấy hệ thống của Mỹ làm kiểu mẫu. Nó bao gồm 9 năm giáo dục bắt buộc (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở), tiếp theo đó là 3 năm trung học phổ thông không bắt buộc và 4 năm đại học. Đã có những động thái nhằm hiện đại hoá chương trình giảng dạy. Tỷ lệ thanh niên cả nam lẫn nữ tiếp tục học lên trung học phổ thông và bậc đại học sau khi đã kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc đã gia tăng. Trình độ chung của giáo dục đã được cải thiện, nhưng đồng thời, một số tác động tiêu cực đã nảy sinh do việc gia tăng số học sinh hoặc do chế độ nghiêm ngặt của hệ thống giáo dục.

Trong số các vấn đề phát sinh, nghiêm trọng nhất có lẽ là vấn đề thi cử. Trong xã hội hậu Minh Trị, sự phân biệt giai cấp còn nặng nề hơn ngày nay rất nhiều, giáo dục được xem là con đường duy nhất dẫn đến cơ hội bình đẳng. Trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thái độ này đã gia tăng, tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt để giành được chỗ học trong các trường nổi tiếng. Khi đi xin việc làm, người ta thường có khuynh hướng chỉ đánh giá ứng viên xin việc qua cái mác trường đại học người đó đã tốt nghiệp. Nếu một ứng viên tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng với một thành tích chẳng mấy gì tốt đẹp cho lắm, người đó vẫn có thể dễ dàng xin việc hơn một sinh viên tốt nghiệp một trường đại học ít tiếng tăm, cho dù với một thành tích xuất sắc cỡ nào đi nữa. Chính vì vậy, để xin được việc làm tốt ở một hãng lớn, các phụ huynh phải lo cho con em mình vào học ở một trường trung học nổi tiếng. Cứ thế, sự cạnh tranh thi cử lan dần xuống tới tiểu học. Nhiều học sinh đã theo học tại các trường được gọi là trường dự bị hay trường luyện thi, hoặc theo học những giờ luyện thi do các giáo viên tư nhân dạy. Việc học thêm này được tiến hành sau hoặc ngoài giờ học chính khoá làm cho đa số các học sinh có rất ít thời gian để hoạt động vui chơi giải trí. Đây là một mô hình đặc trưng ở đất nước Nhật Bản hiện nay. Theo điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản thì có 37% học sinh tiểu học, 76% học sinh trung học cơ sở và 37% học sinh trung học phổ thông học tại các trường luyện thi.

Tinh thần làm việc tập thể, những bài học đạo đức và hành động luôn đi kèm mục tiêu là những giá trị tối cơ bản của nền giáo dục Nhật Bản.

Cộng đồng hóa giáo dục từ bậc tiểu học

Ngay từ bậc tiểu học, hầu hết thời gian học sinh được học tập và làm việc theo nhóm.

Thay vì dành những năm tháng đầu tiên của bậc tiểu học rèn giũa học sinh về tầm quan trọng của việc làm theo đúng chỉ dẫn của giáo viên, người Nhật cho rằng đây là quãng thời gian để các em tự nhận ra những gì phù hợp và yêu thích. Bên cạnh đó, việc hướng các em vào hoạt động nhóm cũng luôn được ưu tiên.

Hầu hết hoạt động của học sinh tiểu học đều được tổ chức theo các nhóm nhỏ, vì thế, học tập dường như trở thành hoạt động tự nhiên mang tính xã hội. Nếu một học sinh rời ghế của mình và không tham gia vào các hoạt động, giáo viên sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở như: “Đội Vàng vẫn chưa sẵn sàng!”. Điều này sẽ khiến các học sinh khác trong đội quan tâm và yêu cầu người bạn trở nên tích cực hơn vì lợi ích của nhóm.

Cách giáo dục này khiến trẻ em ý thức rằng chúng là thành phần cần thiết của nhóm và tự hào khi đạt được thành tựu dưới tư cách nhóm. Những cảm xúc và niềm tin này rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản, nó sẽ theo mỗi cá nhân suốt cuộc đời.

Giáo dục đạo đức

Cạnh các tiết học về chuyên môn, những giá trị nhân văn cũng được giáo viên Nhật Bản chú trọng giảng dạy thông qua các tiết học đạo đức. Các tiết học này thường được tổ chức một lần một tuần và trong suốt quãng đời học sinh với tiêu chí chung là: “Phát triển một tầng lớp cư dân Nhật Bản, những người sẽ không bao giờ mất đi tinh thần nhất quán tôn trọng mọi người xung quanh, luôn mang theo tư tưởng đó ở nhà, tại trường học hay bất cứ hoàn cảnh nào trong xã hội mà anh ta là thành viên; phấn đấu cho sự sáng tạo của một nền văn hóa giàu cá tính và cho sự phát triển của một quốc gia dân chủ; tự nguyện cống hiến cho một xã hội hòa bình”.

Những bài học như thế này chủ yếu phụ thuộc vào giáo viên giảng dạy, không có một quy chuẩn cụ thể. Đa phần, học sinh sẽ được nghe kể về một câu chuyện hay một tình huống nào đó. Tiếp theo, các em sẽ thảo luận theo nhóm và cuối cùng là chia sẻ những suy nghĩ, ý kiến mình sẽ làm gì và tại sao, trong từng tình huống trước cả lớp.

Dù cách giảng dạy phụ thuộc vào từng giáo viên nhưng nội dung và mục tiêu của các bài học thì hoàn toàn được quy định bởi bộ Giáo dục Nhật Bản

Những hoạt động hướng mục tiêu

Học sinh Nhật Bản thường ở lại lớp dọn vệ sinh sau giờ học

Hầu hết các trường ở Nhật đều có những hoạt động thể  thao hay lễ hội thường niên với mục tiêu “xây dựng tình đoàn  kết, khuyến khích cá nhân nỗ lực hết mình, tận tâm và kiên  trì”. Ngoài ra, các cuộc dã ngoại cũng thường xuyên được tổ  chức nhằm “mở rộng hiểu biết của học sinh về thiên nhiên và  thế giới xung quanh theo một cách thú vị mà đáng nhớ, đồng  thời rèn luyện học sinh có những hành vi phù hợp nơi công  cộng”.

Những hoạt động hàng tuần, hàng ngày cũng đều có mục tiêu đi kèm và thường được thảo luận bởi chính học sinh. Thêm vào đó, có hẳn một nét văn hóa trong việc kiểm tra xem mục tiêu có đạt được không sau khi mỗi hoạt động kết thúc. Ví dụ như tất cả học sinh dành 20 phút cuối ngày để dọn vệ sinh trường học cùng nhau. Khi kết thúc hoạt động, các nhóm sẽ tập hợp và đồng thanh hô to khẩu hiệu như: “Chúng ta có hợp tác tốt không?”, “Chúng ta có tận dụng tối đa thời gian không?”…

Việc đánh giá giá trị một phương pháp giáo dục là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, một điểm mà toàn Thế giới phải công nhận là nền giáo dục Nhật Bản đã đào tạo ra một thế hệ những con người chăm chỉ, tận tâm với công việc và ý thức kỷ luật rất cao.

nguồn: Internet

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*