Xuất khẩu lao động tăng, chất vẫn thế

Sự tăng trưởng về xuất khẩu lao động là do yếu tố khách quan như nhu cầu của nước tiếp nhận tăng lên, chứ không hoàn toàn là nhờ hiệu quả cạnh tranh về chất lượng lao động của ta so với các nước phái cử khác..

Sự tăng trưởng về xuất khẩu lao động là do yếu tố khách quan như nhu cầu của nước tiếp nhận tăng lên, chứ không hoàn toàn là nhờ hiệu quả cạnh tranh về chất lượng lao động của ta so với các nước phái cử khác. Vậy làm sao để cải thiện chất lượng lao động để có thể cạnh tranh với các nước khác.

 

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 55.205 lao động (19.842 lao động nữ), đạt 63,5% kế hoạch năm 2014. Đạt được kết quả này là nhờ các thị trường truyền thống đều tăng trưởng tốt như Đài Loan đạt 187%, Nhật Bản 180%, Hàn Quốc 182% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ đó, mặc dù thị trường Malaysia và nhóm các thị trường nhỏ khác giảm lần lượt là 30% và 35%, song tổng số lao động đi làm việc ở tất cả các thị trường vẫn tăng 141% so với cùng kỳ năm 2013.

“Vịn” vào thị trường truyền thống

“Sự chuyển động của từng thị trường là nguyên nhân khiến con số lao động xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước phân tích.

Ví như thị trường Đài Loan, từ sau khi nước này giảm mạnh nhu cầu tiếp nhận lao động từ Philippines thì nhu cầu tăng lên với phân khúc lao động Việt Nam. Hiện Đài Loan đang cần lao động trong khá nhiều ngành nghề và đa dạng trình độ từ bậc kỹ thuật tới phổ thông, như xây dựng, điều dưỡng, lao động trong nhà máy điện tử, may, cơ khí…

Chưa kể trong 2 năm qua, Bộ LĐTBXH đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan, trong đó có các quy định về mức phí đi xuất khẩu lao động nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Mức phí giảm cũng giúp người lao động thuận lợi hơn khi muốn sang làm việc tại nước này.

 

xuat-khau-lao-dong-tang-chat-van-theCơ hội cho lao động nông nghiệp Việt Nam tại thị trường Nhật Bản

Đối với thị trường Nhật Bản, xu hướng “dân số già” diễn ra ngày càng nhanh đang tạo khoảng trống trong lực lượng lao động nội địa. Việc quốc gia này tiếp tục quá trình tái thiết từ sau thảm họa động đất sóng thần và đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng hạ tầng đăng cai Olympic 2020, cũng đã tạo thành nhu cầu lao động xây dựng rất lớn.

Theo thông tin từ phía Bộ Lao động Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, nhu cầu lao động nước ngoài tại nước này trong thời gian tới sẽ tăng gấp đôi từ 100.000 người lên 200.000 người/năm.

“Lao động Việt Nam sang Nhật Bản trước đây chủ yếu là thực tập sinh kỹ năng trong các nhà máy, thời gian gần đây Nhật Bản tăng thêm nhu cầu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nên lao động của mình có nhiều cơ hội hơn”, ông Quỳnh cho biết.

Tuy kết quả đạt được tích cực như vậy, song ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng thừa nhận sự tăng trưởng về xuất khẩu lao động là do yếu tố khách quan như nhu cầu của nước tiếp nhận tăng lên, chứ không hoàn toàn là nhờ hiệu quả cạnh tranh về chất lượng lao động của ta so với các nước phái cử khác.

Nếu như lao động kỹ thuật sang Nhật phải đào tạo cả năm mới đi được, chưa kể trình độ tối thiểu phải tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề, thì lao động nông nghiệp tuyển chọn nhanh hơn, thời gian đào tạo ngắn (4 đến 6 tháng). Yêu cầu đào tạo ngoại ngữ, văn hóa, pháp luật là chủ yếu phù hợp với trình độ và nguyện vọng từ người lao động ở các vùng nông thôn Việt Nam nên xu hướng xuất khẩu này đang tăng lên.

Dù trình độ lao động thời gian qua đã cải thiện đáng kể, song chất lượng nguồn lao động trong nước vẫn thấp cả về trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp, khả năng thích nghi, hoà nhập với môi trường văn hoá, xã hội nơi làm việc… Đây là những yếu tố làm hạn chế đến việc phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Nỗ lực mở thêm thị trường

Để mở thêm nhiều thị trường đưa lao động đi làm việc, Bộ LĐTBXH cho rằng, thời gian tới cần coi trọng việc vận động để ký kết các hiệp định, thỏa thuận với các nước nhận lao động Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định, thoả thuận về hợp tác lao động với Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Lào, Liên bang Nga…

Hiệp định về tiếp nhận điều dưỡng, y tá Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, Tổ chức GIZ Đức trong việc đưa y tá Việt Nam sang thực tập và làm việc… Bộ LĐTBXH đang phối hợp cùng các ngành hữu quan đàm phán để ký kết hiệp định với một số nước: Israel, Rumani, Libya, Thái Lan…

Bộ LĐTBXH cũng đang tiến hành các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu, đưa lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài nhằm thực hiện đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, đồng thời giải quyết các mục tiêu an sinh – xã hội. Xây dựng các cơ chế, chính sách để đào tạo đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề, có khả năng về ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan đang tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường, ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu lao động làm nòng cốt để đẩy mạnh hoạt động này. Tóm lại để nâng cao chất lượng lao động nước ngoài và mở rộng thêm thị trường lao động tại các nước, chúng ta cần phải khắt khe hơn nữa trong tuyển dụng cũng như đào tạo

nguồn: Dân trí

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*