Phú Thọ: Giấc mơ xuất khẩu lao động

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, có khoảng 2.500 lượt người đi XKLĐ. Lao động của Phú Thọ đang làm việc tại các nước thường xuyên duy trì con số 7.500 người..

Phú Thọ là một trong những tỉnh có lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài khá cao, xuất khẩu lao động là giấc mơ “đổi đời” của người dân Phú Thọ

 

Với nguồn ngoại hối gửi về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã giúp hàng nghìn hộ dân ổn định sinh kế và góp phần đổi mới diện mạo nhiều vùng quê. Thế nhưng, vì cái lợi trước mắt mà nhiều lao động đã mạo hiểm đánh cược cuộc đời đi xuất cảnh trái phép, XKLĐ cũng kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, có khoảng 2.500 lượt người đi XKLĐ. Lao động của Phú Thọ đang làm việc tại các nước thường xuyên duy trì con số 7.500 người, tập trung chủ yếu: xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Trung Đông. Nguồn ngoại hối chuyển về nước trung bình khoảng 700 tỷ đồng/năm. Đối với một số xã, qua tính toán, số tiền người đi XKLĐ gửi về hàng năm còn cao hơn nhiều lần tổng thu ngân sách địa phương.

Từ phong trào đi XKLĐ, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều “xã xuất ngoại” như: Vĩnh Lại (Lâm Thao), Liên Hoa (Phù Ninh), Năng Yên (Thanh Ba)… Có tiền từ XKLĐ, người dân không chỉ làm nhà, mua sắm đồ dùng gia đình, cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện cho anh em, dòng họ vay làm ăn và dùng làm “vốn” để đầu tư phát triển kinh tế. Cũng chính từ nguồn tiền người đi XKLĐ gửi về mà nhiều phong trào, cuộc vận động như làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa công cộng được người dân nhiệt tình ủng hộ.

phu-tho-giac-mo-xuat-khau-lao-dong
Một trong những “xã xuất ngoại” mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, nơi có trên 60% gia đình có người đi XKLĐ. Ông Đào Bình Soi – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao cho biết: Phong trào XKLĐ phát triển mạnh, có định hướng chỉ đạo từ năm 2004. Xã có trên 8.000 dân nhưng đã có khoảng 3.000 lượt người đi XKLĐ, hàng năm duy trì trên 800 lao động làm việc tại các thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu lao động Nhật Bản , Cộng hòa Séc. Nhiều gia đình có từ 7-9 người xuất ngoại. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người lao động trong xã gửi về khoảng 30 tỷ đồng. Có vốn, người dân đầu tư xây nhà, mở rộng kinh doanh, buôn bán dịch vụ. Điều đó lý giải vì sao Vĩnh Lại giờ đây sầm uất như thế.

Từ trên đê nhìn toàn cảnh, làng Vĩnh Lại san sát những tòa nhà xây 2-3 tầng, thậm chí 4 tầng, kiểu mẫu hiện đại chẳng kém gì thành phố Việt Trì. Cả làng như một đại công trường, anh chị em lao động ở địa phương cũng vì thế mà không thiếu việc làm. XKLĐ đã khiến quê hương Vĩnh Lại đổi mới hơn hẳn so với các xã khác trong vùng. Từ ngày có phong trào XKLĐ, các chương trình đóng góp, vận động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình công cộng cho quê hương, làng xóm được các gia đình ủng hộ nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Liên Hoa – một xã thuần nông thuộc vùng đất giữa của huyện Phù Ninh không thuận lợi về đường giao thông nên củ sắn, củ khoai người dân nơi đây làm ra rất khó tiêu thụ. Năm 2004, xã đã xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó XKLĐ là định hướng mũi nhọn. Một số người đã mạnh dạn đi XKLĐ theo hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Chỉ sau vài tháng, các lao động này đã gửi tiền về cho gia đình. Nhìn thấy con đường thoát nghèo ngay trước mắt, phong trào “xuất ngoại” đã hình thành ở địa phương. Toàn xã có khoảng 1.000 hộ thì trên 600 hộ có người đi XKLĐ với trên 1.000 lượt người xuất ngoại làm việc tại các nước Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… 99% số nhà cao tầng trong xã được xây từ tiền đi XKLĐ. Trước năm 2008, bình quân chung đầu người toàn xã chỉ đạt 6-7 triệu đồng/năm, đến nay đã đạt 20 triệu đồng/người/năm. Trung bình nguồn ngoại hối do người lao động chuyển về đạt gần 30 tỷ đồng/năm.

XKLĐ đã góp phần không nhỏ làm cho diện mạo nhiều làng xã thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều nhà có “của ăn, của để” đã dùng tiền vốn tích lũy được để phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại quê hương.

Tìm con đường thoát nghèo bằng XKLĐ là giải pháp đúng đắn của nhiều hộ gia đình. Song, do kinh tế eo hẹp, không có việc làm và nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều lao động đã xuất cảnh trái phép hoặc cố tình cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài khi hết thời hạn hợp đồng lao động. Qua tìm hiểu, tình trạng xuất cảnh trái phép diễn ra khá phức tạp ở các huyện vùng sâu, vùng xa như: Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy. Lao động chủ yếu xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc hoặc qua Thái Lan theo diện miễn thị thực cho khách du lịch.

Được biết, lao động xuất cảnh trái phép chủ yếu do bị lôi kéo, họ được “vẽ” lên một tương lai màu hồng như lương cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Để tạo niềm tin, các đối tượng lừa đảo còn ký hợp đồng viết tay với người lao động với lời đảm bảo sẽ đưa được người ra nước ngoài, bố trí công việc tốt, nếu không sẽ hoàn tiền. Nhiều lao động trở về từ Trung Quốc cho biết: Trong quá trình lao động tại xưởng đã có nhiều trường hợp sa đà vào ma túy, mỗi khi lên cơn nghiện hoặc đến thời điểm công nhân lấy lương lại dọa dẫm xin tiền để mua thuốc. Lao động xuất cảnh trái phép chỉ loanh quanh trong các xưởng chứ không được ra ngoài vì sợ chính quyền sở tại bắt giữ. Đã có những lao động phải “bỏ xác” nơi đất khách quê người, trở thành đối tượng của bọn bắt cóc tống tiền hay bị bắt, giam giữ.

Việc lao động sang Thái Lan tìm việc theo diện miễn thị thực áp dụng cho khách du lịch cũng đang là vấn đề nổi cộm hiện nay. Đặt chân lên đất Thái, người lao động chủ yếu làm giúp việc gia đình hoặc làm thuê cho các nhà hàng, cơ sở chế biến gỗ – lâm sản. Giữa người lao động và chủ sử dụng lao động chỉ thỏa thuận miệng mà không ký kết hợp đồng nên khi người lao động không may gặp tai nạn, họ không được thanh toán các khoản hỗ trợ. Đã có lao động vi phạm các quy định về tạm trú bị nước bạn trục xuất, Thái Lan cũng là quốc gia khá thoáng với nạn mại dâm, cờ bạc nên không ít lao động đã du nhập tệ nạn này về địa phương, gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự. Cá biệt, một số phụ nữ đã trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người cho các động mại dâm trên đất Thái Lan và Campuchia.

Mặc dù tình trạng lao động tự ý ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng đã giảm song chưa triệt để. Đến tháng 10 – 2014, toàn tỉnh vẫn còn gần 100 lao động hết thời hạn nhưng chưa về nước, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích Quốc gia, khi mà chính phủ Hàn Quốc chỉ vừa mới “phá băng” trở lại tiếp nhận lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, XKLĐ cũng tác động đến đời sống hôn nhân – gia đình. Tình trạng hôn nhân trục trặc do vợ hoặc chồng đi XKLĐ có chiều hướng gia tăng. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Anh Tuấn – Chánh Toà Dân sự, Toà án nhân dân tỉnh cho biết: “Các cặp vợ chồng đều không ghi nguyên nhân ly hôn do XKLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử các vụ án ly hôn có liên quan đến yếu tố nước ngoài, chúng tôi khẳng định XKLĐ là nguyên nhân sâu xa. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành tòa án, từ năm 2012 đến tháng 8-2014 đã có gần 70 vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, tức là vợ hoặc chồng vẫn đang lao động ở nước ngoài. Đó là chưa kể tới những trường hợp sau khi trở về nước, vợ chồng mới phát sinh mâu thuẫn”.

Vậy là chỉ vì “giấc mơ thoát nghèo” mà nhiều gia đình đã phải trả cái giá quá đắt. Gia đình ly tán, con cái bơ vơ cũng là khởi đầu cho nhiều hệ lụy kèm theo. Ông Lê Quang Tiếp – Chủ tịch UBND xã Liên Hoa (huyện Phù Ninh) nêu ý kiến: Do lao động xuất cảnh chủ yếu là thanh niên nên địa phương thiếu lực lượng sản xuất chính, các chi đoàn khu dân cư thiếu đoàn viên, thanh niên nên hạn chế trong việc tổ chức các phong trào và thiếu nguồn bồi dưỡng, kết nạp đảng,  đưa thanh niên nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đáng nói hơn cả là tình trạng thất nghiệp sau XKLĐ. Không ít người đi XKLĐ trở về chưa xác định được sẽ làm gì, sử dụng đồng vốn thế nào để sinh lời và ổn định cuộc sống lâu dài. Vì thế, một bộ phận không nhỏ lao động sau khi về nước lại làm thủ tục, hồ sơ đi XKLĐ lần 2, lần 3 hoặc tiếp tục tái thất nghiệp! Những hệ lụy trên đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương cần có những giải pháp để XKLĐ đi đúng hướng, thực sự trở thành con đường thoát nghèo, ổn định sinh kế cho người lao động.

Các bạn lưu ý nhé, đi lao động nước ngoài để giúp kinh tế gia đình khá hơn, để chúng ta học hỏi ngoại ngữ cũng như kinh nghiệm làm việc ở nước khác về áp dụng tại Việt Nam.. chứ không phải đi ra nước ngoài là học hỏi cái xấu cái không hay , kiếm được vài đồng lại về ăn chơi hết thì không nên đi làm gì

xem thêm >> Những điều cần biết khi đi xuất khẩu lao động

 

theo báo Phú Thọ

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*