Du học Nhật Bản: Khám phá tri thức nhân loại

“Có thể nói rằng không có dân tộc nào nhạy bén về văn hóa nước ngoài cho bằng người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những diễn tiến trên thế giới bên ngoài, đánh giá và cân nhắc ảnh hưởng của những trào lưu và xu hướng chính đ..

Du học Nhật Bản: Khám phá kho tàng tri thức của nhân loại, các bạn học sinh nên tham gia chương trình này. Nó vô cùng có ích cho bạn sau này đấy

 

Chúng ta đều biết Nhật Bản là một cường quốc phát triển bậc nhất thế giới. Sư thành công của người Nhật Bản một phần là do tinh thần ham học hỏi, khám phá cái hay, cái tốt. GS. Vĩnh Sính đã nhận định: “Có thể nói rằng không có dân tộc nào nhạy bén về văn hóa nước ngoài cho bằng người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những diễn tiến trên thế giới bên ngoài, đánh giá và cân nhắc ảnh hưởng của những trào lưu và xu hướng chính đối với Nhật Bản. Một điều đáng chú ý khác là khi họ biết trào lưu nào đang thắng thế thì họ có khuynh hướng chấp nhận, học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó, không để mất thời cơ”.

Từ xưa, Nhật Bản đã nhiều lần cử các đoàn lưu học sinh sang nước Đông Á học tập, tiếp thu nền văn minh đại lục, chủ yếu là văn minh Tuỳ-Đường để phát triển đất nước. Bước vào thời cận đại, khi nhận thức được sự tiến bộ vượt bậc của văn minh phương Tây thì Nhật Bản chủ trương học tập Âu-Mỹ để văn minh hoá, cận đại hoá đất nước. Vào thời hiện đại, khi Mỹ trở thành nước phát triển nhất về kinh tế và khoa học, Nhật Bản chủ trương học tập Mỹ để đưa Nhật Bản trở thành cường quốc phát triển hành đầu của thế giới.

Khi tiếp nhận nền văn minh, văn hóa từ bên ngoài, Nhật Bản không chủ trương tiếp nhận tất cả những nền văn minh cao hơn mình và chủ trương tiếp nhận cái văn minh nhất và bằng con đường trực tiếp. Đây là cách thức mà ngày nay chúng ta gọi là “đi tắt đón đầu” nhằm rút ngắn thời gian, đưa đất nước tiến kịp các nước văn minh trên thế giới.

1) Tiếp nhận văn minh Trung Hoa

Vào thời cổ đại, văn minh NB lạc hậu hơn nhiều so với Trung Quốc và Triều Tiên. Những người thức thời trong Triều đình và quý tộc Nhật Bản nhận thức được rằng, Nhật Bản còn lạc hậu rất nhiều so với Trung Quốc và Triều Tiên, muốn trở thành một vương quốc hùng mạnh, theo kịp các nước trong khu vực thì cần phải chủ động học tập và học tập trực tiếp nền văn minh Trung Hoa.

Nhật Bản xác định được nền văn minh Tùy-Đường là nền văn minh tiên tiến nhất lúc bấy giờ và chủ động tiếp thu nền văn minh đó, chứ không bị cưỡng bức tiếp nhận như các nước khác. Lý do khá rõ là lúc đó Nhật Bản không bị Tuỳ- Đường thôn tính, không làm nước chịu sắc phong của các Hoàng đế Trung Hoa, hơn nữa còn ra sức thiết lập quan hệ ngoại giao đối đẳng với Trung Hoa. Và kết quả tiếp theo là, mặc dầu tích cực tiếp thu văn minh Tuỳ-Đường nhưng Nhật Bản đã chủ động tiếp nhận, chủ động tiêu thụ, có khả năng chuyển những thành tựu văn minh bên ngoài thành các yếu tố để xây dựng nền văn minh dân tộc phát triển ngang tầm văn minh nhân loại mà vẫn đậm tính dân tộc.

2) Tiếp nhận văn minh phương Tây

Sau khi lật đổ chế độ Bakufu, chính quyền Meiji đã tiến hành nhiều biện pháp để nhanh chóng tiếp thu văn minh phương Tây: thị sát nền văn minh phương Tây; thuê chuyên gia phương Tây làm cố vấn và giảng dạy ở Nhật và gửi học sinh sang phương Tây lưu học. Bất cứ lĩnh vực nào, người Nhật cũng phân tích kỹ lưỡng, tìm ra những cái nhất của từng nước để học tập.

Tính tổng thể mà nói, chuyên gia nước ngoài làm việc ở Bộ Công nghiệp chiếm 1/3 tổng số chuyên gia ở Nhật Bản. Trong thời kỳ đầu tỷ lệ đó lên đến 50%. Chuyên gia làm việc ở Bộ Công nghiệp chủ yếu là các kỹ sư trực tiếp chỉ đạo thi công các công trình lớn hay điều khiển các máy móc hiện đại, số chuyên gia này có tới 50%, còn lại là những cố vấn ở cơ quan của Bộ. Ở Bộ này, các chuyên gia người Anh chiếm đến 60%. Họ đảm nhiệm xây dựng các tuyến đường sắt, điện tín, hải cảng và đèn biển. Chuyên gia có tiếng nhất ở bộ Công nghiệp là William Cargill, người Anh, tổng công trình sư các tuyến đường sắt đầu tiên ở Nhật.

Giáo dục cũng là lĩnh vực được ưu tiên thuê chuyên gia. Bộ Giáo dục chủ yếu thuê chuyên gia giảng dạy ở các ngành khoa học tự nhiên, y học và ngôn ngữ học. Ở Bộ này, các chuyên gia người Đức chiếm 37,2%, Anh: 22,5%, Mỹ: 20,1%, Pháp: 13%. Những chuyên gia có ảnh hưởng lớn đến nền giáo dục cận đại Nhật là Giáo sư David Murray, Scott (Mỹ), Giáo sư Ludwig Reiss, Herman Roessler, Albert Mosse (Đức), Luật sư Gustave Boissonade (Pháp).

Bộ Hải quân phần lớn thuê các chuyên gia người Anh huấn luyện. Các chuyên gia người Pháp làm việc ở nhà máy luyện kim ở Yokohama và nhà máy đóng tàu ở Yokosuka cũng thuộc Bộ Hải quân quản lý. Người đảm nhận việc xây dựng nhà máy đóng tàu ở Yokosuka là Francois Verny, người Pháp. Chuyên gia các nước khác làm việc ở Bộ này là không đáng kể. Bộ Nội vụ chủ yếu thuê chuyên gia người Đức. Họ cố vấn thiết lập hệ thống cảnh sát. Bộ Lục quân chủ yếu thuê chuyên gia Pháp. Có một số chuyên gia Đức làm việc ở Tham mưu Lục quân.

Cục Khai khẩn Hokkaido thuê nhiều chuyên gia Mỹ trong các ngành khai khoáng, xây dựng đường sá và sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, còn có các chuyên gia Đức giúp xây dựng nhà máy bia. Bộ Tài chính chủ yếu thuê các chuyên gia Anh và Pháp giúp đỡ kiến thức tài chính cận đại.

Như vậy, không phải Nhật thuê chuyên gia một cách ồ ạt mà họ có sự lựa chọn các quốc gia có trình độ tiên tiến nhất về lĩnh vực vực nào thì thuê chuyên gia về lĩnh vực đó. Có như vậy, Nhật mới sớm nắm bắt được những kiến thức tiên tiến nhất để học tập, mới có thể “đi tắt đón đầu”, tiến kịp các nước tiên tiến nhất thế giới.

Các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao vai trò của chuyên gia nước ngoài trong việc cận đại hóa Nhật Bản. Sakata đưa ra nhận định: chính việc thuê các chuyên gia nước ngoài phương Tây làm đòn bẩy cho Nhật Bản tiến tới văn minh hóa. Umetani coi việc thuê chuyên gia phương Tây, tiếp thu kiến thức phương Tây chính là việc “Sử dụng kiến thức của ngoại quốc để chống lại sức ép của ngoại quốc”. B.Chamberlain cho rằng các chuyên gia là “Người sáng tạo ra Nhật Bản cận đại”. Tuy cách diễn đạt có khác nhau nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu người Nhật hay người nước ngoài đều thừa nhận sự đóng góp to lớn của các chuyên gia vào quá trình cận đại hóa Nhật Bản. (Xem Nguyễn Tiến Lực, 1999;tr: 70-75)

Tuy nhiên, việc mời các chuyên gia nước ngoài đến cố vấn, chỉ đạo, giảng dạy có tác dụng to lớn trong việc tiếp thu những kiến thức tiên tiến thế giới nhưng đó vẫn chỉ tiếp xúc một cách gián tiếp và không phải là biện pháp lâu dài. Chính quyền Meiji còn chủ trương gửi học sinh ra nước ngoài lưu học mới có khả năng tiếp thu văn minh và kỹ thuật phương Tây một cách trực tiếp và sâu sắc, và đó là chính sách cơ bản và lâu dài để người Nhật nắm quyền chủ đạo trong công cuộc xây dựng nền khoa học, văn hoá, giáo dục độc lập, tự chủ và tiên tiến.

Ngay năm 1869, các nhà lãnh đạo chính quyền mới thấy rằng để nhanh chóng tiếp thu khoa học, kỹ thuật, chế độ và luật pháp phương Tây, cần phải khẩn cấp việc cử các học sinh có năng lực sang các nước phương Tây lưu học. Chính phủ Meiji đã tiến hành tuyển chọn và sử dụng ngân sách của nhà nước gửi các học sinh ưu tú ra nước ngoài học tập. Năm 1871, chính phủ Meiji sửa đổi và ban hành Quy chế về lưu học sinh (Kaigai Ryugakusei Kisoku). Theo đó, việc tuyển chọn phải tiến hành một cách tự do, dựa vào năng lực của học sinh và việc gửi học sinh đó đến học nước nào, trường nào, ngành nào là do chính phủ quyết định. Ngay từ lúc đó, chính quyền Meiji đã biết lựa chọn các nước có ngành học nổi tiếng nhất ở các trường đại học Âu-Mỹ để gửi lưu học sinh của mình đến đó học tập… Chính phủ quy định: Học về máy móc, thương nghiệp, tài chính-tiền tệ, đóng tàu, gia súc, hoạt động từ thiện thì học ở các trường tốt của Anh; học về luật, luật quốc tế, động vật học và thực vật học thì học ở các trường đại học có tiếng của Pháp; học về triết học, chính trị học và y học thì học ở các trường của Đức; học về bưu chính, công nghệ, nông học, gia súc, thương mại, khai khoáng thì học ở Mỹ…(Xem Nguyễn Tiến Lực, 2004 A; tr. 56-5)

Ngoài ra, để nâng cao tinh thần dân tộc, các lưu học sinh hưởng học bổng từ ngân sách chính phủ, trước lúc ra đi đều đến viếng đền thờ của Shinto, làm lễ dâng rượu thần, thề nguyện quyết tâm học tập và trở về nước phục vụ Tổ Quốc.

Nhờ chủ trương và phương cách học tập nền văn minh phương Tây một cách đúng đắn, cụ thể mà trong vòng 30 năm Nhật Bản đã duy tân thành công, trở thành một nước Tư bản chủ nghĩa tiên tiến, ngang hàng với các cường quốc trên thế giới

3) Tiếp nhận văn minh hiện đại Mỹ của Nhật Bản

Sau chiến tranh, Nhật Bản bị GHQ (Bộ Tư lệnh tối cao quân đội chiếm đóng) thực chất là Mỹ chiếm đóng. Mỹ và các nước Đồng minh có nhiệm vụ rất quan trọng là “tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa quân phiệt” và dân chủ hóa Nhật Bản. Lúc bấy giờ, người Mỹ vẫn coi Nhật là kẻ thù và người Nhật cũng có thái độ tương tự như vậy.

Tuy vậy, người Nhật đã nhanh chóng thay đổi nhận thức của mình. Họ đã sớm vượt qua sự thù hận và cố chấp, sớm nhận thức được rằng nước Mỹ là một siêu cường trên thế giới, có nền kinh tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới. Muốn tiến hành “Duy tân lần II”, phục hồi và phát triển đất nước Nhật Bản thì chỉ có một cách là học tập nền văn minh của Mỹ, đuổi kịp Mỹ, vươn lên thành quốc gia hàng đầu của thế giới.

Trong lĩnh vực kinh tế: Dựa vào nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ, Nhật chấp nhận những cải cách về kinh tế, tài chính và tiền tệ của Mỹ, hợp tác tích cực với cơ quan GHQ để thực thi những cải cách đó. Nhật cũng dựa vào thị trường khổng lồ của Mỹ để thực thi chính sách “thương mại lập quốc” (thương mại hưng quốc) để đẩy nhanh xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, phục hồi và phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển cao độ của kinh tế Nhật.

Trong vấn đề quốc phòng: Người Nhật đã lựa chọn một phương cách gây tranh cải là thiết lập liên minh với Mỹ, ủy thác cho Mỹ sứ mệnh bảo vệ Nhật Bản, để Nhật Bản phục hồi và phát triển đất nước. Sự lựa chọn đó, không hẳn đã đưa tới an ninh và hòa bình cho khu vực nhưng đó là phương cách ít tốn kém nhất cho Nhật khi mà Nhật cần tập trung vào phát triển kinh tế.

Trong lĩnh vực giáo dục: Nhật Bản không ngần ngại chuyển từ hệ thống giáo dục theo kiểu Pháp đã được tiếp nhận từ thời Meiji (phân chia giáo dục theo khu vực giáo dục) tiếp nhận hệ thống giáo dục kiểu Mỹ: hệ thống 6-3-3-4. Hệ thống giáo dục đó được coi là hệ thống tiên tiến nhất và hệ thống giáo dục đại học 4 năm cũng được coi là hợp lý. Việc Nhật Bản từ bỏ hệ thống đại học 5 năm như hệ thống của Pháp-Anh, áp dụng hệ thống giáo dục của Mỹ làm cho giáo dục đại học ở Nhật Bản thích ứng hơn với thời kỳ mới của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật.

Một vấn đề có liên quan đến giáo dục là sau chiến tranh, gần như thành lệ, con đường tiến thân của một nhà khoa học ở Nhật là phải có kinh nghiệm lưu học ở các trường danh tiếng của Mỹ. Cụ thể hơn là: học đại học ở Nhật, học sau đại học ở một trường tốt ở Nhật, chưa lấy bằng tiến sĩ, sang thực tập ở một trường danh tiếng của Mỹ, trở về Nhật lấy bằng tiến sĩ và làm giảng viên đại học. Bằng con đường như vậy, Nhật Bản đã học tập, thậm chí là nắm bắt được những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới, góp phần đưa trình độ khoa học của Nhật lên trình độ tiên tiến nhất thế giới. Cũng chính con đường đào tạo như vậy đã sản sinh ra các nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel của Nhật.

Nhờ cách tiếp nhận văn minh của Mỹ như vậy mà trong một thời gian rất ngắn kể từ sau chiến tranh, Nhật Bản đã có một sự chuyển mình kinh dị, biến Nhật Bản thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai của thế giới Tư bản chủ nghĩa, vượt lên trên các nền kinh tế lớn, truyền thống như Pháp, Anh và Đức.

Nhìn bài học từ Nhật Bản, tiếp thụ những thành tựu của họ có lẽ sẽ là bước đi thông minh cho các bạn trẻ Việt Nam xây dựng hoài bão, quê hương, đất nước. Du học Nhật Bản sẽ là một câu chuyện đầy hứa hẹn. Các bạn đang có ý định đi du học Nhật Bản nên tận dụng điều này, được học tập và làm việc tại đất nước phát triển như Nhật Bản là điều vô cùng tuyệt vời

 

nguồn: Internet

 

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*