Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc nên tự nguyện về nước

Hiện nay có khoảng 226.000 người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có 26.340 người Việt Nam. Riêng đối với chương trình EPS, Việt Nam hiện có 15.678 người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc...

Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc nên tự nguyện về nước nếu không hạn chế được tình trạng cư trú bất hợp pháp sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc ở quê nhà.

 

“Lao động VN đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn tới hơn 15.600 người; tỉ lệ lao động hết hạn HĐLĐ không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2015 là 44,4 %. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 1.300 người lao động VN cư trú bất hợp pháp”.

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), trao đổi với PV Dân trí về tình hình lao động VN cư trú bất hợp pháp hiện nay tại Hàn Quốc, cũng như các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng này. Ông Phan Văn Minh cho biết thêm:

Hiện nay có khoảng 226.000 người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có 26.340 người Việt Nam. Riêng đối với chương trình EPS, Việt Nam hiện có 15.678 người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Tỉ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong thời gian qua luôn ở mức cao, trung bình năm 2013 là 44,15%, năm 2014 là 40,38% và 5 tháng đầu năm 2015 là 44,47%.

Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc của các lao động tại quê nhà.

lao-dong-bat-hop-phap-tai-han-quoc-nen-tu-nguyen-ve-nuoc

Thưa ông, được biết tình trạng lao động VN hết hạn hợp đồng lao động không về nước, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, nguyên nhân và hậu quả của tình trạng này là gì?

Về nguyên nhân, trước hết phải nói tới ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận lao động Việt Nam nhìn chung còn hạn chế. Những người lao động này chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình.

Lao động ở một số quốc gia cùng phái cử lao động sang Hàn Quốc có mức thu nhập bình quân đầu người trong nước không cao hơn Việt Nam, nhưng tỉ lệ lao động bất hợp pháp của họ lại thấp (Campuchia có tỉ lệ lao động bất hợp pháp trung bình khoảng 7%).

 Theo thống kê của Phòng Điều tra di dân thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2015, tổng số người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc bị bắt giữ là khoảng 10.000 người trong đó có khoảng 1.300 người lao động Việt Nam; Ngoài ra, đã có 1.150 người lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước.

Nguyên nhân tiếp theo là do doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn sử dụng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp. Khi sử dụng những người lao động này, doanh nghiệp không mất chi phí tuyển dụng, đào tạo lao động và các loại chi phí bảo hiểm.

Thậm chí một số doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp còn cố ý bao che cho lao động bất hợp pháp khi có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng Hàn Quốc.

Ngoài ra, về phía chúng ta, mặc dù đã có sự chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH nhưng chính quyền các cấp của một số địa phương, đặc biệt là một số địa phương có nhiều người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc chưa vào cuộc quyết liệt.

Chưa có sự hợp tác của gia đình người lao động trong việc vận động con em họ hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn, một số địa phương tuy có triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhưng mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, nên kết quả của việc tuyên truyền vận động chưa cao.

Liên quan tới tình hình trên, nhiều bạn đọc băn khoăn tại sao Chính phủ Hàn Quốc không triển khai
các biện pháp cứng rắn với các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tiếp nhận lao động bất hợp pháp để giải quyết tận gốc vấn đề này?

Nhằm khắc phục tình trạng trên, trong năm 2015, các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ chú trọng vào việc xử lý các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, truy quét và xử phạt lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Tại Hội nghị định kỳ chính sách quốc gia lần thứ 67 của Chính phủ Hàn Quốc đã thảo luận về “Tình trạng người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp và các giải pháp trong tương lai” và thông qua nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó có giải pháp sửa đổi “Luật quản lý xuất nhập cảnh” theo hướng xử phạt nặng chủ sử dụng tuyển dụng trái phép người nước ngoài và lập hồ sơ giả để đăng ký lưu trú cho các đối tượng này.

Các hành vi từ chối, cản trở việc điều tra mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt đến 10 triệu won (tương đương khoảng hơn 9.000 USD), người nộp hồ sơ đăng ký lưu trú giả sẽ bị trục xuất về nước.

Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng đẩy mạnh việc truy quét người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, trong đó có người lao động Việt Nam đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Về phía các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai những biện pháp gì nhằm hạn chế tình trạng này, thưa ông?

Về phía Việt Nam, các giải pháp đã triển khai gồm việc hạn chế tuyển chọn người lao động ở những địa phương có tỷ lệ người lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao.

Năm 2011, chúng ta đã hạn chế người lao động của các xã, phường có từ 5 lao động trở lên cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đăng ký dự thi tiếng Hàn để dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc, chỉ tuyển chọn những người lao động làm nghề đánh bắt cá tại các xã ven biển, chỉ tuyển chọn người lao động ngành nông nghiệp ở 63 huyện nghèo để dự tuyển làm việc trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc.

Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS phải thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh theo Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ đối với những người lao động bỏ trốn hoặc hết hạn hợp đồng lao động không về nước.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tới gia đình người lao động ở trong nước và trực tiếp tới người lao động tại Hàn Quốc để vận động người lao động về nước đúng quy định.

Từ năm 2011 đến nay đã tổ chức 130 Hội nghị tuyên truyền, vận động tại các địa phương trong cả nước, nhất là những địa phương có nhiều người lao động làm việc tại Hàn Quốc và có tỷ lệ lao động bất hợp pháp cao, đồng thời triển khai tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, báo điện tử, báo in, các đài phát thanh truyền hình địa phương,…

Tại Hàn Quốc, từ tháng 10/2013 đến nay, Văn phòng quản lý lao động EPS tại Hàn Quốc thuộc Trung tâm Lao động ngoài nước đã tổ chức 41 buổi tuyên truyền trực tiếp tới người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.

Đồng thời tuyên truyền vận động trên mạng internet thông qua trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước, trang thông tin điện tử của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và các trang mạng xã hội, v.v.).

Trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai công tác này ở trong nước và tại Hàn Quốc.

Bản ghi nhớ về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc đã hết hiệu lực từ ngày 28/8/2012. Tuy nhiên do tình trạng người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc luôn ở mức cao nên Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã không ký gia hạn Bản ghi nhớ trên. Điều này đã gây thiệt hại cho những người lao động đã đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn và có hồ sơ đăng ký dự tuyển làm việc tại Hàn Quốc nhưng không được giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn và hàng chục nghìn người lao động không có cơ hội dự thi tiếng Hàn để đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.

Nếu tình trạng người lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tiếp tục ở mức cao như hiện nay thì nguy cơ bị “đóng cửa” đối với những người lao động mới là rất lớn.

Có thể nói để cải thiện tình trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là điều không dễ dàng gì, nó phụ thuộc vào từng cá nhân, do vậy mong rằng chúng ta sẽ sớm cải thiện được để nhiều người đang mong muốn đi lao động Hàn Quốc sớm thực hiện được ước mơ

theo Dân Trí

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*


Tags: ,