Xuất khẩu lao động 2014 có những khó khăn gì?

Hoạt động xuất khẩu lao động có chiều hướng chững lại trong 3 năm trở lại đây. Số lao động tham gia xuất khẩu giảm đáng kể, trong khi xuất khẩu lao động lại là giải pháp quan trọng về giải quyết việc làm và thực hiện giảm ngh..

Hoạt động xuất khẩu lao động có chiều hướng chững lại trong 3 năm trở lại đây. Số lao động tham gia xuất khẩu giảm đáng kể, trong khi xuất khẩu lao động lại là giải pháp quan trọng về giải quyết việc làm và thực hiện giảm nghèo bền vững.

Trước thực trạng đó, tỉnh đang phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xúc tiến nhiều giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn đối với công tác xuất khẩu lao động
Ông Đỗ Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: “Có 4 nguyên nhân khiến lượng lao động làm việc ngoài nước giảm. Một là thị trường lao động có thu nhập khá đang bị thu hẹp bởi những biến động về chính trị, suy thoái kinh tế. Hai là thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc bị đóng băng. Thứ ba là chưa có sự liên kết chặt chẽ trong tạo nguồn lao động, số lao động xuất khẩu có trình độ nghề thấp, nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu công việc. Và cuối cùng là do người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước, nhất là địa bàn Bắc Ninh với số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với các Công ty xuất khẩu lao động, các địa phương trong tỉnh tìm giải pháp tối ưu để thị trường lao động xuất khẩu sôi động trở lại”.

Xuất khẩu lao động 2014 có những khó khăn gì?Thăng Long OSC cùng đối tác tuyển dụng lao động sang làm việc tại Angieri

Theo đánh giá, phân tích của các cơ quan chức năng, hiện có một số thị trường lao động được ưa thích bởi nguồn thu nhập tương đối khá như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Nắm bắt tâm lý đó của người lao động, Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động xuất khẩu lao động, giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, cũng như những doanh nghiệp có đủ pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao độngvà phòng tránh thiệt hại cho người lao động. Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các xã, phường, thị trấn với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm xuất khẩu để người lao động có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu, tham gia lựa chọn việc làm theo nhu cầu và khả năng của bản thân. Công tác thanh, kiểm tra, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước cũng được đẩy mạnh để kiên quyết loại trừ sự nhũng nhiễu, lừa đảo trong công tác xuất khẩu lao động 2014

Hiện nay, Bắc Ninh đang hướng trọng tâm đến thị trường Hàn Quốc bởi đây là thị trường lớn từng chiếm tới hơn 30% tổng số lao động tham gia xuất khẩu. Qua rà soát từ các địa phương cho thấy, hiện toàn tỉnh có 106 lao động đã hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc phải về nước trong năm 2014 và vẫn tiếp tục có lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu chúng ta không có những biện pháp kiên quyết. Sau nhiều động thái tích cực như tuyên truyền, vận động, thậm chí ép buộc, số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của Bắc Ninh đã giảm đáng kể, nhưng chưa triệt để. Tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường các hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, đón lao động từ Hàn Quốc về nước đúng thời hạn, trong đó nhấn mạnh vào 2 mục tiêu: Vừa bảo đảm mọi người lao động có nguyện vọng, đủ điều kiện đều có cơ hội được làm việc tại Hàn Quốc, đồng thời lao động là người Bắc Ninh làm việc tại Hàn Quốc sẽ trở về nước đúng thời hạn hợp đồng.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định nêu rõ: Người lao động bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng và không làm việc tại nước ngoài trong thời gian từ 2 đến 5 năm nếu ở lại nước ngoài trái phép sau khi đã hết hạn hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng, hoặc lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái phép… Đây là một trong những giải pháp quyết liệt để đưa người lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn và lấy lại thị trường lao động tại Hàn Quốc. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức quán triệt nội dung của Nghị định tới các địa phương trong tỉnh, yêu cầu các địa phương ký cam kết chấp hành nghiêm việc vận động người lao động cư tú tại địa phương mình về nước đúng thời hạn, nếu trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định.

Một tương lai tươi sáng về xuất khẩu lao động đã hé mở khi Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận lao động Việt Nam trở lại làm việc. Nếu mỗi người dân, bản thân người lao động ý thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình cũng như trách nhiệm đối với toàn xã hội thì chắc chắn thị trường xuất khẩu lao động sẽ phát triển mạnh, tác động tích cực đến thực hiện giảm nghèo và ổn định xã hội.

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*