Cần đào tạo nghề trước khi xuất khẩu lao động

Công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người đi xuất khẩu lao động. Dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài..

Công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người đi xuất khẩu lao động. Dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật và kiến thức cần thiết khác phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động..

 

1.  Mục đích dạy nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật và kiến thức cần thiết khác phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

2. Trách nhiệm của người đi xuất khẩu lao động trong việc học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết

Với quan điểm nâng cao trách nhiệm, tăng cường tính chủ động của người lao động  trong việc trang bị cho mình có trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và   kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài, Luật pháp Việt Nam quy định “ Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài phải chủ động học nghề, ngoại ngữ, tìm hiểu pháp luật có liên quan và tham gia các khoá bồi dưỡng kiến thức cần thiết do doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ta nước ngoài đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức” (Khoản 1 Điều 62 Luật số 72/2006/QH11).

3. Trách nhiệm của tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Luật quy định ràng buộc trách nhiệm mang tính pháp lý đối với các cá nhân, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động

- Đối với công tác dạy nghề, ngoại ngữ “Doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài  đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài” (Điều 63 Luật số 72/2006/QH11).

- Đối với công tác bồi dưỡng kiến thức “Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài” (khoản 1 Điều 65 Luật số 72/2006/QH11).

4. Trách nhiệm đào tạo nghề, ngoại ngữ

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Tuy nhiên, việc đầu tư cho dạy nghề là đầu tư lâu dài, đòi hỏi kinh phí lớn nên không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có khả năng để đầu tư. Đồng thời, việc đào tạo nghề và ngoại ngữ phải mang tính chuyên môn mới đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng. Chính vì vậy, Nhà nước chủ trương tạo cơ chế mở trong việc tổ chức đào tạo cho người lao động. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

dao-tao-nghe-khi-di-xuat-khau-lao-dong

5. Quy định về bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động

5.1. Bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dưới 4 hình thức:

① Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

② Thông qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài

③ Thông qua doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

④ Người lao động tự đi theo hình thức hợp đồng cá nhân

Tuy nhiên, trong thực tế, người lao động chủ yếu đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tổ chức sự nghiệp. Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động mang tính đặc thù. Vì vậy,  doanh nghiệp dịch vụ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định mới được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động. Một trong những điều kiện đó là phải có bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

Bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết của doanh nghiệp được tổ chức thành trường hoặc trung tâm đào tạo phải có ít nhất hai bộ phận (Bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên) để thực hiện các nhiệm vụ:

- Trực tiếp tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động

- Quản lý chương trình đào tạo, thời gian lên lớp của giáo viên, học viên

- Thực hiện các hợp đồng liên kết về bồi dưỡng kiến thức cần thiết

- Biên soạn tài liệu

- Quản lý học viên

- Tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ sau mỗi khoá học

Lưu ý:  Đối với các tổ chức sự nghiệp, tổ chức,cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuy không buộc phải thực hiện xây dựng bộ máy  như đã nêu ở trên nhưng phải có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật

5.2. Cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết

Cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện:

- Có trình độ từ cao đẳng trở lên

- Có lý lịch rõ ràng

- Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của tòa án, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

- Có kinh nghiệm và hiểu biết về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Có hiểu biết những quy đinh của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận liên quan tới người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

- Đối với giáo viên phải qua lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và sư phạm do Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức

5.3. Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động

- Có đủ phòng học và trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy cần thiết

- Có đủ chỗ ăn, ở, sinh hoạt, học tập nội trú cho 100 học viên trở lên.

Tổ chức học tập, ăn ở, sinh hoạt tâp trung nhằm rèn luyện tác phong công nghiệp, tính tự giác, chấp hành nội quy, quy chế của cơ sở đào tạo, lối sống tập thể. Đồng thời, thông qua việc đào tạo tập trung để phát hiện những yếu điểm của người lao động để kịp thời bồi dưỡng.

5.4. Nội dung và chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết

Nhằm mục đích trang bị cho người lao động những hiểu biết cần thiết về pháp luật Việt Nam, pháp luật cũng như phong tục, tập quán, nếp sống, sinh hoạt và làm việc của nước tiếp nhận lao động, Pháp luật Việt Nam quy định chi tiết về Chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài như sau:

- Chương trình bồi dưỡng KTCT phải đảm bảo 9 nội dung gồm:

+ Truyền thống, bản sắc băn hóa của dân tộc.

+ Những nội dung về pháp luật lao động, hình sự, dân sự…của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

+ Nội dung hợp đồng ký giữa người lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

+ Kỷ luật, an toàn vệ sinh lao động.

+ Phong tục, tập quán, văn hóa của nước tiếp nhận

+ Cách thức ứng xử trong lao động và đời sống.

+ Sử dụng các phương tiện giao thông, đi lại, mua bán, sử dụng các dụng cụ, thiết bị phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

+ Những vấn đề cần chủ động phòng ngừa trong thời gian sống và làm việc ở nước ngoài.

+ Ôn tập và kiểm tra cuối khóa

- Thời gian đào tạo áp dụng bắt buộc để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động là 74 tiết ( gồm 58 tiết lý thuyết và 16 tiết thực hành).

5.5. Tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết

Theo quy định của pháp luật, Cục Quản lý lao động ngoài nước trực thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm biên soạn và ban hành tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo các nội dung đã nêu ở phần trên. Ngoại trừ phần nội dung hợp đồng ký giữa người lao động và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và nội dung về kỷ luật, an toàn vệ sinh lao động thuộc trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài biên soạn. Hiện tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã biên soạn và phát hành tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Macao, UAE, Ả rập xê út, Ca-Ta, LiBya, Israel, CH Séc, Nga )

Riêng chương trình và tài liệu đối với chuyên gia, sỹ quan, thuỷ thủ trên các tàu vận tải thực hiện theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

5.6. Cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động

Sau khi người lao động hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết và đáp ứng được các điều kiện theo yêu cầu của khóa học, người đứng đầu bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trách nhiệm cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

- Mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo mẫu do Bộ Lao động- Thương binh và xã hội ban hành tại Quyết định số 20/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 02/8/2007 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và sử dụng thống nhất trong cả nước. Người đứng đầu các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức in và quản lý phôi chứng chỉ. Các chi nhánh được doanh nghiệp hoạt động dịch vụ giao hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhận phôi chứng chỉ từ doanh nghiệp.

- Mẫu chứng chỉ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài  phải được đăng ký tại Cục QLLĐNN trước khi cấp cho người lao động.

6. Các chính sách của nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết

6.1. Đối với cơ sở dạy nghề xuất khẩu lao động

Nhà nước có chính sách đầu tư cho các cơ sở dạy nghề tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, hình thành một số trường dạy nghề đủ điều kiện về trang bị, thiết bị, chương trình, giáo trình và đội ngũ giáo viên để đào tạo người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ( Điều 64 Luật số 72/2006/QH11).

6.2. Đối với người lao động

Một mặt, nhà nước khuyến khích người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài chủ động tìm hiểu pháp luật có liên quan và tham gia các khoá đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết do doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức. Mặt khác, nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với người lao động, đặc biệt người lao động là đối tượng chính sách xã hội để học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Cụ thể:

- Cung cấp miễn phí giáo trình, tài liệu bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động.

- Hỗ trợ 50% mức học phí bồi dưỡng tay nghề, kiến thức cần thiết theo quy định cho người lao động là con thương binh, liệt sĩ và người có công hưởng theo chế độ, chính sách ưu đãi; người lao động thuộc diện hộ nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số. ( khoản 2 Điều 3 quyết định số 144/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 8 năm 2007 ).

Đặc biệt là ngày 29 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo, đẩy mạnh xuất khẩu lao động 2014 góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2008 – 2020. Trong đó, chính sách hỗ trợ đào tạo như sau:

- Hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số.

- Hỗ trợ 50% học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho các đối tượng khác thuộc 62 huyện nghèo.

-  Riêng người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ thêm:

+ Tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học với mức 40.000đ/người/ngày.

+ Tiền ở với mức 200.000đ/người/tháng.

+ Tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu cho người lao động (quần áo đồng phục, chăn màn, giày dép …) với mức 400.000đ/người.

+ Tiền tàu, xe (cả đi và về) 01 lần từ nơi cư trú đến nơi đào tạo; mức hỗ trợ theo giá cước của phương tiện vận tải hành khách thông thường tại thời điểm thanh toán.

Ngoài các chính sách hỗ trợ nêu trên, Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm, dạy nghề hàng năm đều có các nội dung hỗ trợ đào tạo cho người lao động. Đồng thời, tại các địa phương, công tác dạy nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được quan tâm và nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ trích từ nguồn ngân sách của địa phương.

7. Quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Pháp luật Việt Nam quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định về đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết sau đây:

 Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

② Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc kiểm tra và cấp chứng chỉ cho người lao động sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

③ Không tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

    Hình thức xử phạt:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Tạm đình chỉ Hợp đồng cung ứng lao động từ một (01) tháng đến ba (03) tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm nêu trên

+ Đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động trong trường hợp sau khi bị tạm đình chỉ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động nhưng vẫn không khắc phục được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra;

+ Buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với các hành vi vi phạm quy định về đào tạo nghề ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết nêu trên.

theo dolab

>> Mọi thông tin xin liên hệ đơn vị xuất khẩu lao động:

Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long
Địa chỉ: số 7, tầng 8 tòa nhà Hội LHPN, đường Tôn Thất Thuyết , Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: ĐT: 0466 866 770 – 0981 052 583 – 0966 430 186 – 0967 620 068
Website: http://thanglongosc.edu.vn/

 

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*


Tags: